“Chân Lạp phong thổ ký” có gì hay, có gì lạ ?

Quyển sách duy nhất mô tả vùng Angkor, đế đô nước Cao Miên ngày xưa giữa thời cực thịnh là tập ký ức “Chân Lạp Phong Thổ Ký” của ông Châu Đạt Quan.

Ông Châu Đạt Quan, hiệu là Thảo Đình Di Dân, quê ở Vĩnh Gia, huyện Ôn Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa, năm thứ 2 niên hiệu Nguyên Trinh (Bính Thân 1296) triều Vua Thành Tông (1295-1308) nhà Nguyên (1277-1368) theo một phái đoàn sứ giả sang Cao-Miên dưới triều vua Cindravarman (1295-1307). Ông ở đất Miên hơn một năm, ghi những điều mắt thấy tai nghe về cuộc du hành xuyên qua miền Nam Việt Nam ngày nay và mọi phương diện sinh hoạt của người bổn xứ. Năm thứ 1 niên hiệu Đại Đức (Đinh Dậu 1297), ông trở về và hoàn thành tác phẩm này trước năm 1312, đến đời nhà Minh (1368-1680) được ông Ngô-Quán, quê ở Tân-An, huyện Hấp, tỉnh An Huy hiệu đính.

Đối với các nhà khảo cổ, tập ký ức của họ Châu là một tài liệu vô cùng quý giá để tìm hiểu về Cao Miên, một quốc gia không có để lại lịch sử trên giấy mực, còn đối với người Miên thì chính họ phải nhờ những dòng chữ vàng ngọc kia để biết tổ tiên họ trong khoảng thời gian ấy.

Người đầu tiên phiên dịch tập ký ức này ra Pháp ngữ là ông Abel Rémusat trong năm 1819 đăng từng đoạn trên tạp chí của nhà xuất bản Dondey-Dupré và trong tập thứ 3 tạp chí Novel les Annales des Voyages của nhà xuất bản Eyriès et Maltebrun nhan đề: “Description du Royaume de Cambodge par un voyageur Chinois qui a visité cette contrée à la fin du XIIIe siècle” có kèm theo bức địa đồ. Năm 1829, bản dịch được đăng lại trên tạp chí Nouveaux Mélanges Asiatiques et Recueil de Morceaux de Critiques et de Mémoires của nhà xuất bản Schuber et Heide Joff ở Paris, từ trang 100 đến 152, không có bức địa đồ.

Năm 1902, ông Paul Pelliot cũng dịch ra Pháp ngữ đăng trên tạp chí của trường Bác Cổ Viễn Đông (Bulletin de L’Ecole francaise d’Extrême Orient) tập II, 1902 từ trang 123 đến 177.

Năm 1954, nhà xuất bản Adrien-Maison-neuve ở Paris ấn hành bản trên đây do Dịch giả sửa chữa nhiều nơi kèm theo phần bình giải rất phong phú, nhưng tiếc thay chỉ được có ba trong bốn mươi chương của nguyên bản thì ông từ trần.

Năm 1967, ông J. Gilman d’Arcy Paul phiên dịch tác phảm của ông Paul Pelliot ra Anh ngữ nhan đề: Chou-Ta-Kuan Notes on the customs of Cambodia ấn hành ở Bangkok (Thái Lan) do nhà xuất bản Social Sciences Association Press.

2 Comments Add yours

  1. ddailoi nói:

    Rất hay!

    Vào 08:02 Ngày 03 tháng 5 năm 2013, “LỊCH SỬ VIỆT NAM từ cội nguồn đến năm

Gửi phản hồi cho Đỗ Mạnh Trình - ThaiBinhSchool Hủy trả lời