Lê Lai cứu chúa

Lê Lai (chữ Hán: 黎來, ?-1418) là một tướng lĩnh của quân khởi nghĩa Lam Sơn, người đã hy sinh thân mình cứu chủ tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh.

Tham gia buổi đầu

Lê Lai người gốc Mường, thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hoá), là con của Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng.

Lê Lai tính tình cương trực, dung mạo khác thường, có chí khí. Ngay trước khởi nghĩa Lam Sơn ông đã theo hầu Lê Lợi có nhiều công lao. Năm 1416, ông cùng Lê Lợi và các tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược.

Liều mình cứu chúa

Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, ông là tướng luôn ở bên cạnh, xông pha nhiều trận hiểm nguy. Bấy giờ quân Lam Sơn ít lính, thiếu lương, thường bị quân Minh đánh bại. Theo sách Đại Việt thông sử, cuối tháng 4 năm 1418[1], Lê Lợi bị thua trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Trong tình thế nguy cấp, Lê Lợi họp các tướng lại hỏi:

Nay thế trận hiểm nguy, có ai dám bắt chước Kỷ Tín đời Hán, thân khóac hòang bào mà chết thay ta không?[2]

Các tướng đều ngồi yên không ai dám thưa. Lê Lai đứng dậy nói:

Thần nay nguyện được tử trận thay cho chúa công. Ví như sau này giành được giang sơn thì xin nghĩ đến công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được nhờ quốc ân, được vậy thần chết cũng nhắm mắt.

Lê Lợi rất thương cảm. Lê Lai nói:

Tình hình nguy khổn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng, bao công sức đây hãy còn gì. Nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì?

Lê Lợi vái trời khấn rằng:

Lê Lai có công đổi áo, nếu sau này khôi phục nghiệp xưa, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn.

Lê Lai vâng mệnh mang 2 voi và 500 quân kéo ra trại quân Minh khiêu chiến. Quân Minh đổ ra đánh. Lê Lai thúc ngựa xông thẳng vào giữa trận hô to:

Ta là chúa Lam Sơn đây!

Quân Minh ngỡ là Lê Lợi nên xúm lại đánh kịch liệt. Lê Lai xung trận giết giặc rồi kiệt sức, bị quân Minh bắt và đem hành hình. Hôm ấy là ngày 29 tháng 4 âm lịch.

Lê Lợi nhân lúc việc vây hãm của địch lơi lỏng, cùng các tướng chạy ra đường khác, trốn thoát. Cảm động lòng trung nghĩa của ông, Lê Lợi sai người ngầm tìm được thi hài ông, mang về an táng ở Lam Sơn.

Nhưng Đại Việt Sử Ký toàn thư lại chép rằng Lê Lai đã thoát được quân Minh và Lê Lợi sau này vì tính đa nghi nên đã giết chết Lê Lai và nhiều công thần khác.

Đời sau tưởng nhớ

Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi vua, ông được truy tặng là “Sùng trung Đồng đức hiệp mưu bảo chính Lũng Nhai công thần”, hàm thiếu uý, thuỵ là Toàn Nghĩa. Năm sau, Thái Tổ sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thề ước trước và lời thề nhớ công của ông bỏ vào trong hòm vàng. Các đời vua sau tiếp tục phong tặng cho ông, cao nhất là năm 1484, Lê Thánh Tông gia phong ông làm Trung Túc vương.

Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 nhuận âm lịch năm 1433, trước khi mất có dặn lại đời sau phải làm giỗ Lê Lai trước một ngày, tức là ngày 21 tháng 8. Từ đó dân gian truyền lại câu: “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”.

Phố Lê Lai tại Hà Nội

Đây là con phố nhỏ thuộc phường Lý Thái Tổ, tại trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam, dài 420m, kéo từ phố Đinh Tiên Hoàng đến phố Trần Quang Khải.

Phố được chia làm hai đoạn. Đoạn từ Đinh Tiên Hoàng tới chỗ giao cắt Lý Thái Tổ – Ngô Quyền là đường một chiều (theo hướng Đinh Tiên Hoàng sang), đối xứng chiều với phố Lê Thạch song song qua vườn hoa Lý Thái Tổ. Phần kia là đường hai chiều.

Phố được xây trên nền đất của hai thôn cũ là Vọng Hà và Hậu Bi thuộc hai tổng Tả Túc và Hữu Túc, đều thuộc huyện Thọ Xương. Phố có từ thời Pháp thuộc, được phân ra làm hai phố là Rue Dominé (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng tới chỗ giao cắt Lý Thái Tổ – Ngô Quyền) và Rue Bonhour (đoạn từ đường Trần Quang Khải tới chỗ giao cắt Lý Thái Tổ – Ngô Quyền). Sau năm 1945, hai phố này được gộp làm một và được đặt tên là Lê Lai.

Cả nhà vì nước

Cả gia đình Lê Lai đều chết vì việc nước. Anh ông là Lê Lạn tử trận khi tham gia đánh ải Khả Lưu năm 1425.

Lê Lai có 3 con: Lê Lư, Lê Lộ, Lê Lâm, đều được Lê Lợi nuôi như con đẻ. Lê Lư tử trận khi vây thành Nghệ An năm 1425. Lê Lộ có công tham gia đánh bại các tướng Minh là Trần Trí và Phương Chính, rồi tử trận tháng 10 năm 1424. Lê Lâm sau khi khởi nghĩa thành công được xếp vào hàng công thần thứ ba. Năm 1430 Lê Lâm làm tiên phong đi đánh Ai Lao, đuổi giặc bị trúng chông độc tử trận.

Con Lê Lâm, cháu nội Lê Lai là Lê Niệm cũng là công thần nhà Lê. Năm 1460, ông có công cùng Nguyễn Xí, Đinh Liệt phế truất Lê Nghi Dân, đưa Lê Tư Thành lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông. Ngoài ra Lê Niệm còn có công hai lần đánh Chiêm Thành năm 1446 và 1471. Trong trận năm 1471, ông cùng Đinh Liệt bắt được vua Chiêm là Trà Toàn.

(Nguồn : http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Lai)

Bình luận về bài viết này