Nguyễn Phúc Thái

 

Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái (1649-1691, ở ngôi 1687-1691) là chúa Nguyễn thứ 5 trong lịch sử Việt Nam, người gốc Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hoá, Việt Nam.

Thân thế

Nguyễn Phúc Tần có hai bà vợ chính, một người họ Chu sinh được hai trai một gái gồm có Phúc quận công tên Diễn, Hiệp quận công Nguyễn Phúc Thuần, một công chúa là Ngọc Tào. Bà còn lại họ Tống, quê ở huyện Tống Sơn, Thanh Hoá là con gái của Thiếu phó Tống Phúc Khang, người cùng quê với chúa. Bà này sinh được hai con trai, Nguyễn Phúc Thái là con thứ hai. Khi người con cả là Nguyễn Phúc Diễn mất,Nguyễn Phúc Tần cho rằng Nguyễn Phúc Thái tuy là con bà hai song lớn tuổi lại hiền đức nên phong làm Tả thủy dinh phó tướng Hoằng Ân Hầu, làm phủ đệ tại dinh Tả thủ, khi Nguyễn Phúc Tần mất Nguyễn Phúc Thái đã 39 tuổi được nối ngôi chúa.

Sự nghiệp

Nguyễn Phúc Thái là người nổi tiếng rộng rãi, giảm nhẹ hình phạt, thuế khoá, trọng dụng quan lại cũ, trăm họ đều vui mừng.

Chúa quy định lại tang phục cho có lợi, bởi vì vào thời ấy, mỗi khi có quốc tang thì người dân dù người già, trẻ con đều la khóc kêu gào, bỏ việc đồng áng, lao động. Chúa quy định người trong tông thất và thân trần để tang 3 năm; cai đội trở lên để tang 2 tuần; Nội ngoại đội chưởng, văn chức, câu kê để tang đến giỗ đầu; còn quân dân để tang đến Tết Trung Nguyên (Rằm Tháng Bảy).

Năm Đinh Mão (1687) chúa Nguyễn Phúc Thái dời dinh của các chúa Nguyễn vào làng Phú Xuân, và nơi này trở thành Kinh Đô của triều Nguyễn sau này và được gọi là chính dinh. Chỗ phủ củ ở làng Kim Long (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) trở thành Thái Tông miếu, thờ chúa Hiền.

Quan hệ với người Chân Lạp thời Nghĩa vương khá tốt đẹp vì đã giết được kẻ phá đám là Hoàng Tiến (người Hoa).

Chúa Nghĩa mất năm 1691, thọ 43 tuổi.

Sau này, Nhà Nguyễn truy tôn ông miếu hiệu là Anh Tông, thụy là Thiệu Hư Toản Nghiệp Khoan Hồng Bác Hậu Ôn Huệ Từ Tường Hiếu Nghĩa hoàng đế.

Gia đình

  • Vợ:
    • Tống Thị Lĩnh (1653 – 1696), quê quán ở huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, con gái quan Thiếu phó Quận công Tống Phúc Vinh, mẹ bà họ Lê. Bà vào hầu Nghĩa vương nơi tiểm để, sau được phong lên bậc Cung tần. Lúc bà có thai, có nhiều điềm lành cho biết sẽ sinh ra bậc kỳ tài. Khi sinh, ánh sáng lành rực rỡ khắp nhà, sau này là Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu. Khi mất, được phong tặng là Quốc Thái Phu Nhân, táng ở làng Định Môn (Hương Trà, Thừa Thiên). Vua Gia Long truy tôn : Từ Tiết Tĩnh Thục Tuệ Mẫn Hiến Thuận Hiếu Nghĩa Hoàng Hậu, đặt tên lăng là Vĩnh Mậu. Bà được phối thờ với đức Anh Tông ở Thái Miếu, án thứ hai bên hữu.

(Nguồn : http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ph%C3%BAc_Th%C3%A1i )

Bình luận về bài viết này