Chương 3

Trong các bộ chính sử của nhà nước quân chủ Việt Nam, kể từ “Đại Việt sử ký toàn thư” đời Lê – Trịnh đến “Việt sử thông giám cương mục” đời Nguyễn, cũng như trong quan niệm chính thống của các sử gia đương thời, có ba triều đại bị đặt ra ngoài lề của dòng chính sử, bị coi là “nhuận triều” hay “nguỵ triều” chỉ vì lẽ “cướp ngôi vua, giết vua thì danh không chính, ngôn không thuận, vì lẽ nghịch mà lấy được nước, nên không chép là chính thống”. Đó là các triều: nhuận Hồ, nguỵ Mạc và nguỵ Tây Sơn.

THÀNH NHÀ MẠC Ở LẠNG SƠN

Với quan điểm của sử học hiện đại, trong nhiều năm qua đã có nhiều công trình nghiên cứu, chuyên khảo, với cách nhìn mới đã làm rõ được các mặt tiến bộ và hạn chế của các triều đại đó. Nhờ vậy đã có nhiều ý kiến tôn vinh nhà Tây Sơn như là một cuộc cách mạng, một đỉnh cao vinh quang của truyền thống chiến thắng giặc ngoại xâm, trong đó Quang Trung – Nguyễn Huệ được coi là biểu tượng của người anh hùng dân tộc. Hay như nhà Hồ, tuy ngắn ngủi nhưng đã được coi là một vương triều chứa đựng nhiều yếu tố cải cách tiến bộ nhằm giải quyết khủng hoảng trầm trọng làm tàn lụi nhà Trần. Mặc dù đã bị thất bại trước cuộc xâm lược của giặc Minh, nhưng nhà Hồ và Hồ Quý Ly vẫn được nhắc đến như một nhà cải cách, đáng được tiếp tục nghiên cứu.

Đối với nhà Mạc và Mạc Đăng Dung, dưới ngòi bút của các sử gia phong kiến, tư sản thì thật tồi tệ. Các bộ chính sử của các triều đại sau vẫn miệt thị, lên án Mạc Đăng Dung đủ điều, nhất là tội chuyên quyền, cướp ngôi vua và đầu hàng giặc Minh. Triều Mạc được xếp vàonguỵ triều. Lê Quý Đôn, trong một vài tác phẩm của mình, hoặc xem nhà Mạc không tồn tại (Kiến Văn tiểu lục), hoặc xếp vào hàng nghịch thần (Đại Việt thông sử). Bộ sách mang tính chất Bách khoa của Phan Huy Chú – Lịch triều Hiến chương loại chí – sau này cũng chỉ bàn tới nhà Mạc như một dị biệt… Quan điểm ấy còn kéo dài hơn nữa trong cả thời cận và hiện đại qua các tác phẩm của Trần Trọng Kim (Việt Nam sử lược), Phan Xuân Hoà(Lịch sử Việt Nam)… và cho tới cả bộ Lịch sử Việt Nam tập I do Uỷ ban KHXH Việt Nam chủ trì biên soạn xuất bản lần đầu năm 1971, tái bản năm 1976 vẫn coi nhà Mạc là một tập đoàn quân phiệt vì lợi ích của dòng họ mà cướp quyền, đoạt ngôi… và họ Mạc tự chuốc lấy sự phẫn nộ của nhân dân…

Tuy thế, ở một góc độ khác, chúng ta cũng ghi nhận từ rất sớm, ngay trong những bộ chính sử coi nhà Mạc là nguỵ triều cũng đã mô tả về một triều đại có mang diện mạo của một thời thịnh trị, như Đại Việt sử ký toàn thưViệt Sử thông giám cương mục nhận định về tình trạng an ninh xã hội thời Đại Chính (Mạc Đăng Doanh, 1530 – 1540) hay trong cũng viết rằng lòng người hướng về nhà Mạc. Đó là chưa nói đến nhiều chi tiết Lê Quý Đôn đã viết trong Đại Việt thông sử hay Phạm Đình Hổ đã nhận định trong Vũ Trung tuỳ bút… Những chi tiết ấy cùng với những sử liệu viết về hơn 20 khoa thi chọn người tài, những gương mặt sáng sủa như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Kế Giáp Hải… đã tạo gợi những suy nghĩ đối với người đời sau khi đọc về thời nguỵ Mạc.

Vì vậy, gần đây chúng ta đã ghi nhận được những khuynh hướng muốn đánh giá lại, chiêu tuyết cho nhà Mạc một cách quyết liệt của các nhà nghiên cứu trong các thập kỷ 40, 50 của thế kỷ trước…, đặc biệt của giới sử học nước ta kể từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX cho đến ngày nay.

Nhìn lại lịch sử, ta thấy vào giai đoạn cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI trong lịch sử quân chủ Việt Nam, nhà Lê sơ sau một thời kỳ thịnh trị đã bước vào giai đoạn suy thoái, ruộng đất tập trung vào các địa chủ, đội ngũ quan liêu bị tha hoá, đời sống của đông đảo nông dân ngày càng bị bần cùng. Triều đình Lê sơ lúc này, đứng đầu là Lê Uy Mục bị tố cáo: tước đã hết mà lạm thưởng không hết, dân đã cùng mà lạm thu không cùng. Phu thuế thu đến tơ tóc mà cùng của như bùn đất, bạc nhược như Tần Chính, đãi công thần như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác.

Dưới sự thống trị của triều đình chuyên chế đồi bại đó, đời sống của nhân dân ngày càng chìm đắm trong tối tăm, cơ cực, tô thuế và lao dịch không ngừng tăng thêm, đè nặng lên cuộc sống quanh năm lao động vất vả của người nông dân. Bọn địa chủ, quan lại còn gia sức chiếm đoạt ruộng đất, đe doạ nền kinh tế nhỏ của nông dân. Đời sống của người nông dân ngày càng bần cùng, điêu đứng, kinh tế nông nghiệp lại không được chăm lo, đê điều và các công trình thuỷ lợi bỏ bê trễ, các nạn lụt, mất mùa đói kém… xảy ra quanh năm. Lúc này, khắp nơi loạn lạc nổ ra, các phe phái đánh giết nhau tranh giành quyền lợi. Đây là hậu quả do chế độ chuyên chế đẻ ra và trở thành thứ bệnh kinh niên của chế độ này khi mà nhiệm vụ thống nhất đất nước và chống giặc ngoại xâm đã được hoàn thành về cơ bản.

Trong bối cảnh đó, Mạc Đăng Dung, xuất thân từ người dân chài ở Nghi Dương (Hải Phòng), từ một chức Đô chỉ huy sứ vệ Thần Vũ thời Lê Uy Mục đã khéo lợi dụng cuộc xung đột giữa các phe phái đối lập và đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân để thâu tóm quyền hành vào tay mình. Sau một thời gian dài hoạt động, Mạc Đăng Dung đã thăng tới chức Vương, nắm tiết chế các dinh thuỷ lục 13 đạo, uy thế bao trùm, thu phục được nhân tâm, và đến năm 1527 phế truất vua Lê Chiêu Tông lên ngôi Hoàng đế, lập ra Vương triều Mạc.

Có thể nói, việc ra đời Vương triều Mạc trong bối cảnh của lịch sử lúc bấy giờ là một điều tất yếu. Nói một cách khách quan, nếu như không có Mạc Đăng Dung thì sẽ có một gương mặt, một dòng họ khác đứng lên chèo lái con thuyền lịch sử Việt Nam trong cơn bão táp. Thực tế, Mạc Đăng Dung là nhân vật – bằng nội lực của mình – đã được lịch sử trao cho chiếc tay chèo. Vương triều Mạc, với vai trò là một chính quyền cai trị thực sự, chỉ tồn tại trong thời gian 65 năm trước khi bị lực lượng phong kiến nhà Trịnh với danh nghĩa phù Lê đánh bật ra khỏi Thăng Long năm 1592. Nhà Mạc đã trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 – 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 – 1540), Mạc Phúc Hải (1541 – 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592).

Tuy thời gian trị vì ngắn ngủi như vậy, lại luôn luôn trong tình trạng không ổn định vì phải gắng sức chống thù trong, giặc ngoài (Lúc này, một mặt nhà Mạc phải chống nhau với các thế lực thù địch của nhiều phe phái dưới danh nghĩa phù Lê, mà tiêu biểu là lực lượng của Nguyễn Kim, sau là nhà Trịnh ở Thanh Hoá – cục diện đó đã đưa lịch sử dân tộc rơi vào cuộc nội chiến Nam – Bắc triều. Mặt khác, thời gian này, bọn phong kiến nhà Minh ở phương Bắc với chiêu bài hỏi tội nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê cũng lăm le đánh chiếm nước ta một lần nữa). Song với những cải cách và một chính sách hợp lý để cố gắng xây dựng vương triều, xây dựng đất nước và khôn khéo trong ngoại giao, Mạc Đăng Dung và triều đình nhà Mạc đã đưa đất nước tránh được cuộc xâm lược của phong kiến phương Bắc cũng như bình ổn tình hình trong nước, thúc đẩy nền kinh tế ổn định và phát triển.

Trong một số công việc, nhà Mạc vẫn duy trì giống thời Lê như chế độ nhà nước vẫn sử dụng tư tưởng Tống Nho để quản lý. Song đã nhìn nhận và đúc rút kinh nghiệm từ chế độ thối nát vào giai đoạn cuối thời Lê sơ, do đó nhà Mạc đã có một số chính sách tích cực hơn, cởi mở hơn.

Về kinh tế, nhà Mạc đã chú trọng tới khẩn hoang, lập làng, đắp đê phòng lụt. Trong công thương nghiệp, nhà Mạc đều không theo đuổi chính sách trọng nông, ức thương của nhà Lê sơ. Những phát hiện khảo cổ học gần đây đã cho thấy rõ sự phát triển đó. Ví dụ như ở Hải Dương (vùng đất căn bản của nhà Mạc), các cuộc khai quật đã tìm thấy nhiều đồ gốm thế kỷ XVI, hay như cuộc khai quật vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) từ năm 1999 – 2002 đã phát hiện con tàu cổ chở gốm sứ thời Mạc xuất khẩu ra nước ngoài bị đắm. Nghiên cứu những hiện vật phát hiện được ở hai địa điểm đó đã cho thấy thế kỷ XVI của nhà Mạc là thời kỳ phát triển rực rỡ của gốm hoa lam Việt Nam, đồng thời phản ánh sự phát triển trong giao thương buôn bán của người Việt thời bấy giờ. Đặc biệt, trong sản xuất, vai trò của người lao động rất được tôn trọng, nhiều đồ gốm, tượng đá đã được ghi rõ họ tên người sản xuất và người đặt hàng. Việc buôn bán trong nước được đẩy mạnh, trong các văn bia thời Mạc đã ghi rõ những hoạt động xây cầu, lập chợ của các chính quyền địa phương, đặc biệt là vùng triền sông, ven biển. Các đô thị lớn như Thăng Long, Phố Hiến đi vào sự phồn vinh.

Như vậy, rõ ràng bất chấp nội chiến, xã hội Việt Nam thế kỷ XVI, dưới sự cai trị của nhà Mạc đã có những thành tựu đáng kể, phản ánh một thời kỳ phồn thịnh, đặc biệt là giai đoạn đầu triều Mạc. Mặc dù có những thiên kiến lớn về nhà Mạc, nhưng các sử gia phong kiến nhà Lê vẫn có những đánh giá tích cực về nhà Mạc: Từ đây, người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên.

Riêng về văn hoá, có thể nói vào thời Mạc đã có những phát triển mới: thi cử được tổ chức đều 3 năm một lần và đã có nhiều trí thức lớn xuất hiện, giúp sức cho triều đình nhà Mạc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Nguyễn Dữ… Theo thống kê thì trong hơn 60 năm trị vì, nhà Mạc đã mở 21 khoa thi Hội, lấy đỗ 460 tiến sĩ các loại và 10/46 trạng nguyên của 800 năm thi cử Hán học của nước ta. Các khoa thi của triều Mạc, số thí sinh dự thi rất đông, khoa đầu tiên mở năm Minh Đức thứ 3 (1529) đã có hơn 4.000 thí sinh, trong đó nhiều người là con cháu các quan lại nhà Lê. Văn bia ghi tên tiến sĩ khoa thi này còn cho biết nhà Mạc đã ban ân điển rộng hơn đối với các tiến sĩ mới đỗ. Do đó, cái dư âm Mạc Thị sùng Nho – nhà Mạc sùng đạo Nho, trọng Nho sĩ – kéo dài mãi về sau. Đến thế kỷ XIX, tác giả cuốn Giáp tý niên biểu còn trân trọng nhắc đến.

Bên cạnh đó, nghệ thuật thời Mạc cũng đã có những thành tựu phát triển mà tiêu biểu là những ngôi đình làng, mở đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của kiến trúc đình làng và nền văn hoá làng xã trong các thế kỷ tiếp theo. Cho đến nay, sự tồn tại của một số ngôi đình làng thời Mạc cũng là sự tồn tại gần như nguyên vẹn và đầy đủ nhất, duy nhất về bộ mặt kiến trúc thời Mạc…

Như vậy, với sự xuất hiện của Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc trên vũ đài chính trị, lịch sử dân tộc Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVI đã có những chuyển biến tích cực, ghi dấu sự phát triển nhiều mặt và đã để lại nhiều bài học quý giá cho lịch sử trong các giai đoạn tiếp theo. Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc xứng đáng được lịch sử ghi nhận./.

Năm Sự kiện
1401 Định quan chế và hành luật nước Đại Ngu
1406 Hơn 20 vạn quân Minh kéo vào xâm lược nước ta
1418 Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ
1427 Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi
1428 Lê Lợi lên ngôi vua ở Đông Đô
1442 Khoa thị hội đầu của nhà Lê được tổ chức
1483 LTT biên soạn và ban hành bộ luật Hồng Đức
1511 Khởi nghĩa Trần Tuân
1516 Khởi nghĩa Trần Cảo
1527 Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê Sơ
1543-1592 Thời kỳ Lê-Mạc và chiến tranh Nam-Bắc triều
1592 Nhà Mạc sụp đổ
1627-1672 Chiến tranh Trịnh-Nguyễn
1739-1769 Khởi nghĩa Hoàng Công Chất
1740-1751 Khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương
1741-1751 Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu
1771 Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn bùng nổ, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo
1777 Nghĩa quân Tây Sơn lật đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng trong.
1785 Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút
1786 Nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc, lật độ chính quyền chúa Trịnh
1789 Vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh
1789-1792  Chính quyền của Quang Trung thực thi nhiều chính sách cải cách tiến bộ

Bình luận về bài viết này