Chương 1

Trên đất nước Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của Người tối cổ ở các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) cách ngày nay khoảng 475.000 năm. Con người xuất hiện cùng với sự hình thành xã hội ở đây đã bắt đầu lịch sử dân tộc Việt Nam.

Xã hội nguyên thủy ở Việt Nam cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ các nền văn hóa đá cũ, đá mới rồi tiến tới thời đại đồng thau sơ kì (văn hóa tiền Đông Sơn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; văn hóa tiền Sa Huỳnh ở Nam Trung Bộ và văn hóa Đồng Nai ở Nam Bộ).

Khái quát lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ X

Sau hàng chục vạn năm lao động gian khổ và sáng tạo, nhân dân Việt Nam đã dần dần hình thành một lãnh thổ chung; đó là quốc gia và nhà nước Văn Lang – Âu Lạc, mở ra một thời đại mới – thời đại dựng nước. Các nguồn tư liệu khoa học đã chứng minh rằng thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam – thời kì Hùng Vương – là có thật. Thời kỳ này kéo dài hàng nghìn năm qua các giai đoạn hình thành và phát triển của nhà nước và quốc gia Văn Lang – Âu Lạc.

Ở thời kỳ Hùng Vương, do kĩ thuật luyện kim ngày càng phát triển, nên công cụ lao động bằng đồng thau đã dần dần thay thế cho công cụ bằng đá. Công cụ cải tiến, nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước cũng phát triển, với công tác thủy lợi, khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích canh tác, lương thực, rau quả phong phú, nâng cao đời sống nhân dân. Nghề chăn nuôi, đánh cá, thủ công nghiệp cũng rất phát đạt.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế cũng tạo nên những chuyển biến lớn trong xã hội. Chế độ tư hữu tài sản, sự phân hóa xã hội thành người giàu, kẻ nghèo tăng lên. Điều này dẫn đến sự hình thành các tầng lớp xã hội khác nhau: quí tộc, nô tì, tầng lớp tự do của công xã nông thôn.

Như vậy, những tiền đề cho sự hình thành quốc gia và nhà nước thời Hùng Vương và giai đoạn cuối Đông Sơn đã xuất hiện.

Nhà nước Văn Lang là quốc gia cổ đầu tiên trên đất nước ta với bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh, đứng đầu là Hùng Vương, có các lạc hầu, lạc tướng giúp việc. Ngôi Hùng Vương cha truyền con lối; Hùng Vương vừa đứng đầu nhà nước, vừa là người chỉ huy quân sự, chủ trì các nghi lễ tôn giáo. Các nhà sử học đoán định có cơ sở rằng, nhà nước Văn Lang ra đời vào khoảng thế kỉ VII -VI tr.CN. Tuy là nhà nước sơ khai, song sự ra đời của nhà nước Văn Lang đã đánh dấu một bước phát triển của lịch sử Việt Nam – mở đầu thời đại dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Ngay từ buổi đầu dựng nước, nhân dân Việt Nam đã đấu tranh chống sự xâm lược của các bộ tộc từ bên ngoài đến được phản ánh trong truyền thuyết về cuộc chiến đấu chống giặc Ân, dưới sự chỉ huy của Thánh Gióng.

Cuộc xâm lược đầu tiên được sử sách ghi lại là cuộc xâm lược của quân Tần Thuỷ Hoàng, do Hiệu uý Đồ Thư chỉ huy 50 vạn quân, chia làm 5 đạo quân tiến đánh phương Nam vào năm 218 tr.CN. Cuộc kháng chiến của người Việt chống quân xâm lược Tần trên địa bàn Văn Lang lúc bấy giờ kéo dài liên tục 5, 6 năm (từ khoảng năm 214 đến 208 tr.CN). Sức mạnh kháng chiến của nhân dân ta đã giết chết chủ tướng Đồ Thư, làm cho “Quân Tần thây phơi, máu chảy hàng mấy chục vạn”.
Cuộc kháng chiến chống quân Tần thắng lợi càng cố kết người Lạc Việt và Tây Âu – đã có quan kinh tế, văn hoá lâu đời, lại cùng nhau chống ngoại xâm. Trên cơ sở ấy, xây dựng một quốc gia mới – quốc gia Âu Lạc, ra đời khoảng thế kỉ III tr.CN.

Nước Âu Lạc chỉ tồn tại chưa đến 30 năm (khoảng từ năm 208 đến năm 179 tr.CN) nhưng đã kế thừa và phát triển nhiều thành tựu của nước Văn Lang, tiêu biểu là trống đồng, thành Cổ Loa nổi tiếng. Trống đồng (Đông Sơn, Ngọc Lũ…) với những nét đặc sắc về kĩ thuật đúc, nghệ thuật trang trí; âm nhạc thể hiện trình độ trí tuệ, tài năng của cư dân Văn Lang – Âu Lạc, tiêu biểu cho nền văn minh Việt cổ. Thành Cổ Loa không chỉ là trung tâm của nước Âu Lạc mà còn là căn cứ quân sự vững chắc.

Nền Văn minh Văn Lang – Âu Lạc trở thành cội nguồn của các nền văn minh tiếp theo của dân tộc.

Năm 179 tr.CN. Âu Lạc rơi vào ách thống trị của nhà Triệu, mà người sáng lập là Triệu Đà. Từ đó đến đầu thế kỉ X, trong hơn 1.000 năm, nhân dân ta sống dưới ách thống trị tàn khốc của phong kiến phương Bắc. Đó là thời Bắc thuộc ”Cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc liên tiếp nổ ra, với những cuộc khởi nghĩa từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu đến Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng rồi Khúc Thừa Dụ (905) lật đổ sự đô hộ của nhà Đường giành quyền độc lập tự chủ cho nhân dân ta. Thời Bắc thuộc hoàn toàn chấm dứt với chiến thắng của Ngô Quyền chống quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (983), mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ trong lịch sử dân tộc.

Diễn biến lịch sử trong thời kì lâu dài từ thời nguyên thủy đến khi chấm dứt hoàn toàn nền đô hộ Bắc thuộc được thể hiện ở niên biểu sau.

NIÊN BIỂU TỔNG HỢP LỊCH SỬ VIỆT NAM TỪ NGUỒN GỐC ĐẾN THẾ KỶ X

A. Thời đại nguyên thủy

Khái quát lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ X


B. Thời kỳ dựng nước

NIÊN ĐẠI SỰ KIỆN CHÍNH
TK VIII – VII TCN đến TK III TCN Thời kỳ tồn tại của Văn hóa Đông Sơn – nền văn hóa thuộc hậu kì thời đại đồng thau và sơ kì đồ sắt. Đây là giai đoạn đánh dấu những chuyển biến về kinh tế xã hội, tạo cơ sở cho sự ra đời nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta.
TK VII TCN (696 – 682 TCN) Nước Văn Lang – nhà nước sơ khai đầu tiên của người Việt cổ ra đời, kinh đô đóng tại Phong Châu (Phú Thọ). Sự ra đời của nước Văn Lang đã mở đầu cho thời kỳ dựng nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam – thời đại Hùng Vương.
Khoảng TK III TCN Nước Âu Lạc ra đời, đứng đầu là Thục Phán An Dương Vương, kinh đô đóng tại Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).
Năm 214 – 208 TCN Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần của nhân dân Tây Âu và Lạc Việt đã thắng lợi, đánh bại âm mưu bành trướng xuống phía Nam của nhà Tần (Trung Quốc).
Năm 179 TCN Triều Đà xâm lược nước Âu Lạc. Cuộc kháng chiến của An Dương Vương thất bại. Nước Âu Lạc rơi vào tay nhà Triệu, mở đầu thời kỳ hơn 1.000 năm Bắc thuộc của dân tộc ta.


C. Thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc

NIÊN ĐẠI SỰ KIỆN CHÍNH
179 TCN Nước Âu Lạc bị quân Triệu Đà xâm lược và đô hộ.
111 TCN Nhà Hán xâm lược và đô hộ nước ta
106 TCN Nhà Tây Hán lập ra bộ Giao Chỉ, gồm 7 quận đất liền (trong đó có 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân là đất Âu Lạc) và 2 quận hải đảo, đặt chức quan thứ sử đứng đầu bộ Giao Chỉ.
1-5 SCN Tích Quang sang làm Thái thú Giao Chỉ, ráo riết thi hành chính sách Hán hóa người Việt.
29 Nhà Đông Hán cử Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân.
Nhâm Diên cho mở nhiều trường học, phổ biến văn hóa Hán tộc và tư tưởng Nho giáo.
34 Nhà Đông Hán cử Tô Định sang thay Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ. Tô Định thi hành những chính sách hết sức tàn bạo đối với người Việt.
40 Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo thắng lợi, giành được chính quyền độc lập, tự chủ trong vòng 3 năm.
42-43 Cuộc kháng chiến chống xâm lược Hán của nhân dân ta.
100 Hơn 200 quần chúng nổi dậy ở huyện Tượng Lâm (Quảng Nam) đốt phá trụ sở, nhà cửa của bọn quan lại đô hộ.
137 Dân chúng ở Tượng Lâm và một số huyện thuộc quận Nhật Nam nổi dậy, đốt thành, giết trưởng lại, thứ sử Giao Châu phải huy động hàng vạn quân ở 2 quận Giao Chỉ, Cửu Chân đi đàn áp.
144 Hàng nghìn dân chúng 2 quận Cửu Chân, Nhật Nam liên kết, nổi dậy đánh phá các thành ấp.
157 – 160 Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Chu Đạt nổi dậy ở Cư Phong, Cửu Chân về sau lan rộng ra cả quận Nhật Nam, số quân lên tới 5.000 người tiến đánh quận trị Cửu Chân, giết chết Thái thú. Phong trào đấu tranh kéo dài trong 3 năm mới bị dập tắt.
178 Nhân dân ở quân Giao Chỉ nổi dậy liên kết với dân chúng 2 quận Cửu Chân, Nhật Nam chống lại chính quyền đô hộ, dưới sự chỉ đạo của Lương Long, kéo dài trong 3 năm. Thứ sử Giao Châu phải huy động 5.000 quân Hán sang phối hợp quân lính các quận mới đàn áp được. Lương Long bị giết.
184 Binh lính nổi dậy bắt Thứ sử và Thái thú Hợp Phố
192 – 193 Nhân dân huyện Tượng Lâm do Khu Liên lãnh đạo nổi dậy đánh chiếm huyện lệnh, lập ra nước Lâm Ấp, sau là nước Chămpa.
203 Nhà Đông Hán đổi tên bộ Giao Chỉ thành Giao Châu
226 Nhà Đông Ngô chia Giao Châu ra thành Quảng Châu và Giao Châu, sau lại nhập lại thành Giao Châu.
248 Bà Triệu khởi nghĩa ở Cửu Chân.
523 Nhà Lương phân chia Giao Châu, đặt thêm Ái Châu.
535 Nhà Lương lấy vùng đất ven biển phía Đông Bắc đồng bằng sông Hồng lập thành một châu mới là Hoàng Châu.
542 Lý Bôn (Lý Bí) lãnh đạo nhân dân Giao Chỉ nổi dậy đánh đuổi Thứ sử Giao Châu người Hán là Tiêu Tư.
544 Nước Vạn Xuân ra đời
544 – 570 Cuộc kháng chiến của nhân dân do Lý Nam Đế (Lý Bí), Triệu Quang Phục, Triệu Việt Vương lãnh đạo chống quân xâm lược thắng lợi.
602 Cuộc kháng chiến của nhân dân do Lý Phật Tử (hậu Lý Nam Đế) chống nhà Tùy xâm lược bị thất bại.
607 Nhà Tùy cho dời trị sở quận Giao Chỉ từ Long Biên (thuộc Bắc Ninh) về Tống Bình (thuộc Hà Nội).
621 Đại Tổng quản Giao Châu là Khưu Hòa đem Giao Châu đầu hàng nhà Đường.
679 Nhà Đường đổi Giao Châu thành An Nam đô hộ phủ, gồm 12 châu.
722 Khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra ở Hoan Châu, Diễn Châu, Ái Châu.
757 Nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Trấn Nam đô hộ phủ, đến năm 766 lại đổi Trấn Nam đô hộ phủ thành An Nam đô hộ phủ.
766 Khởi nghĩa Phùng Hưng đánh đuổi được viên đô hộ phủ nhà Đường là Cao Chính Bình, giành được quyền tự chủ trong một thời gian ngắn (7 năm).
819 – 820 Dương Thanh lãnh đạo nhân dân Châu Hoan đánh đổ quan lại đô hộ nhà Đường, chiếm giữ phủ thành.
824 Quan đô hộ Lý Nguyên Gia dời An Nam đô hộ phủ ra ngoài cửa Đông Quan. Năm 825, lại dời đô hộ phủ về Tống Bình (Hà Nội).
866 Nhà Đường đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân tiết trấn. Dùng Cao Biền là Tiết độ sứ, đắp lại thành Đại La.
905 – Chu Ôn xin bãi chức của Chu Toàn Dục. Độc Cô Tổn được cử làm Tĩnh hải Tiết độ sứ. Hai tháng sau, Độc Cô Tổn bị giáng chức làm Thứ sử Lệ Châu.
– Khúc Thừa Dụ giành quyền tự chủ thắng lợi, xưng là Tiết độ sứ.
931 Cuộc kháng chiến của nhân dân ta do Dương Đình Nghệ lãnh đạo thắng lợi đã bảo vệ được nền tự chủ dưới thời họ Khúc.
938 Cuộc kháng chiến của nhân dân ta do Ngô Quyền lãnh đạo đã giành được thắng lợi vẻ vang, kết thúc hoàn toàn hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra kỉ nguyên độc lập tự chủ của dân tộc Việt.
 

Bình luận về bài viết này