D.Sơ đồ tư duy

tranhlichsu57
Có nhiều phương pháp dạy học hay, thú vị giúp cho học sinh (HS) tiếp nhận những kiến thức lịch sử nhanh, nắm chắc và nhớ lâu như hệ thống hóa theo mốc thời gian, hay theo từng thời kì chiến đấu gắn liền với các nhân vật lịch sử của thời kì đó…
Tuy nhiên, có một phương pháp khác giúp HS nắm vững kiến thức lịch sử Việt Nam, đó là phương pháp dạy học bằng sơ đồ tư duy. Phương pháp này sẽ làm cho cả thầy và trò tương tác với nhau theo từng mốc thời gian mà từng cấp học các em cần nắm vững. Chẳng hạn, đối với HS tiểu học (khối lớp 4), các em HS sẽ được tiếp cận với những câu chuyện lịch sử từ thời kì đầu dựng nước của vua Hùng với tên nước Văn Lang rồi đến vua An Dương Vương với tên nước là Âu Lạc. Từng thời kì dựng nước sẽ có mốc thời gian và những sự kiện chính để các em HS dễ nhớ và khắc sâu trong đầu (xem hình 1).
Hình 1
Nhìn vào sơ đồ tư duy này, các em HS dễ nhớ đến sự kiện và nhân vật lịch sử gắn liền với sự kiện ấy và cứ thế, tiếp nối đến các cuộc khởi nghĩa giành độc lập của dân tộc từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến các trận đánh của những năm 1945, 1954 hay 1975… Các em HS có được sơ đồ tư duy này sẽ nhớ về lịch sử nước nhà một cách tường tận và không lẫn lộn giữa nhân vật lịch sử này với nhân vật lịch sử khác. Đến các cấp cao hơn, HS sẽ học về các cuộc chiến đấu của nhân dân ta thời kì 1919 đến 1975 với những sự kiện, tình tiết chi tiết, sâu sắc hơn thì sơ đồ tư duy không đơn giản như ở tiểu học, mà là những mắt xích để các em nắm rõ và chắc hơn. Cụ thể, với nội dung “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời” của chương trình lịch sử lớp 9 thì các em sẽ phải nắm theo sơ đồ tư duy gồm 3 phần, HS sẽ ghi nhớ theo mạch kiến thức: (xem hình 2).
Hình 2
Với những sơ đồ mang tính hệ thống mạch kiến thức, các em sẽ dễ dàng nắm và nhớ lâu hơn về các sự kiện và nhân vật lịch sử theo từng mốc thời gian.
Ngoài việc cung cấp cho HS cách nhớ về một hay nhiều sự kiện lịch sử trong chương trình thì việc sử dụng các phim tư liệu, các câu chuyện “thật” về nhân vật lịch sử sẽ giúp các em nghe thấu, nhìn kĩ về diễn biến của cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc, hay về những sự kiện quan trọng trong thời kì dựng nước và giữ nước để nắm bắt kiến thức một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến thế hệ trẻ ngày nay đang… xa dần với lịch sử nước nhà cũng có phần trách nhiệm của những nhà giáo dục. Chúng ta dạy cho HS biết về lịch sử nhưng chưa dạy đúng phương pháp, chưa giúp cho các em cách nhớ thế nào về các sự kiện ấy, mà ngược lại HS cứ ra rả đọc và học thuộc lòng bài học lịch sử theo các cấp lớp để rồi, sau khi thi cuối năm thì tất cả những kiến thức ấy, các em trả lại cho thầy cô. Và cứ như thế, càng lên cao, kiến thức lịch sử của các em càng trống rỗng, không còn đọng lại chút gì trong tâm trí.

Bình luận về bài viết này