Lập thành toán pháp

Môn toán thời Lê Sơ được triều đình khá coi trọng. Trên thực tế, việc xây cất cung điện, đền chùa, chế tạo vũ khí cũng như làm cơ sở cho các môn khoa học khác như thiên văn học, luôn đòi hỏi phải tính toán.

Toán học thời kỳ này là toán học ứng dụng, với trình độ giải quyết các phép tính lập phương, khai bình phương, sai phân, tích phân và còn mang nhiều cách tính theo lối dân gian.

Hai nhà toán học nổi tiếng thời Lê sơ là Lương Thế Vinh và Vũ Hữu.

Lương Thế Vinh được gọi là Trạng Lường. Ông đã bỏ ra nhiều thời gian đo đạc, tính toán ruộng đất trên thực địa, rồi rút ra những quy tắc chung để truyền dạy cho đời. Tác phẩm ông để lại làĐại thành Toán pháp.

Vũ Hữu được đánh giá là nhà toán học xuất sắc nhất thế kỷ 15. Tác phẩm Lập thành toán pháp cùng phương pháp đo tính ruộng đất của ông được phổ biến ra cả nước. Có lần Vũ Hữu tính toán số gạch cần thiết để tu bổ các cổng thành Thăng Long mà số gạch vừa đủ, không thừa, không thiếu một viên nào.

Môn toán được sĩ tử theo học khá phổ biến và có sức hấp dẫn đối với nhiều người trong xã hội. Năm 1506, vua Lê Uy Mục mở kỳ thi toán ở sân điện Giảng Võ, có tới 3 vạn người tới dự thi. Triều đình lấy đỗ 1519 người, trong đó 144 người đỗ loại giỏi. Nhà Lê tổ chức thi toán 10 năm 1 lần.

(Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Khoa_h%E1%BB%8Dc_k%E1%BB%B9_thu%E1%BA%ADt_%C4%90%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_th%E1%BB%9Di_L%C3%AA_s%C6%A1)

Bình luận về bài viết này