Trần Minh Tông

Trần Minh Tông (1300-1357), tên thật là Trần Mạnh, là vị vua thứ năm của nhà Trần (sau Trần Anh Tông và trước Trần Hiến Tông) trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi 15 năm (1314-1329) và làm thái thượng hoàng 28 năm.

Minh Tông là người có lòng nhân hậu, hay thương người nhưng xét việc chưa minh. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An giúp. Tuy nhiên, do quá tin vào Trần Khắc Chung cùng Văn Hiến hầu nên năm 1328 đã giết Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, một người có công, là ông chú ruột, đồng thời là quốc trượng (bố vợ) mình

Cũng bắt đầu từ triều đại của Minh Tông, ngoại thích họ Lê của Lê Quý Ly có cơ sở để chuyên quyền về sau, khi các Hiến Tông, Nghệ Tông và Duệ Tông đều là con của 2 người cô của Quý Ly.

Thân thế

Trần Minh Tông là người con thứ tư của vua Trần Anh Tông và Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị (con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng). Ông sinh ngày 21 tháng 8 âm lịch năm 1300, một ngày sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất (20 tháng 8 âm lịch năm 1300)

Nguyên khi Hoàng Tử Mạnh mới sinh, bấy giờ các hoàng tử sinh ra đều khó nuôi nên khi hoàng tử Mạnh chào đời, Thượng hoàng Anh Tông nhờ công chúa Thụy Bảo (cô ruột của Thượng hoàng Anh Tông) nuôi hộ. Công chúa Thụy Bảo cho rằng mình đang bị ách vận cho nên đã đưa Hoàng tử Mạnh nhờ anh ruột là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật nuôi. Chiêu Văn Vương coi hoàng tử Mạnh không khác gì con mình. Ông nghĩ con trưởng mình là Thánh An, con gái là Thánh Nô nên mới đặt tên cho Hoàng tử Mạnh là Thánh Sinh. Hoàng tử được nuôi như vậy đến tận lúc lên ngôi.

Trần Minh Tông là vị vua mà có tới 4 người con trai làm vua Trần lần lượt sau ông: Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Nghệ Tông.

Trị vì

Năm Giáp Dần (1314), vua cha Anh Tông truyền ngôi ông, khi ấy mới 14 tuổi lên nối ngôi. Ông đổi niên hiệu là Đại Khánh. Thượng hoàng Anh Tông vẫn giúp đỡ ông trông coi chính sự. Triều đại nhà Trần dưới thời Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời vua trước đã tạo nên.

Năm Ất Mão (1315), vua định lệ cấm người trong họ không được kiện cáo nhau. Lại năm Quý Hợi (1323), ông mở khoa thi Thái học sinh chọn người có tài ra giúp nước.

Tin lời gian thần, Xử oan Quốc trượng

Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn là con trai thứ của vua Trần Nhân Tông, em của vua Trần Anh Tông, ông chú của Minh Tông. Ông có con gái là Huy Thánh công chúa được lập làm Lê Thánh hoàng hậu của Minh Tông.

Minh Tông giữ ngôi được 15 năm, tuổi đã cao mà chưa lập được Thái Tử. Quốc Chẩn có ý đợi Hoàng Hậu Lệ Thánh sinh con trai thì mới lập. Đây là lệ trước giờ của nhà Trần, khi không lập con của người khác họ lên ngôi mà đều là con của các Hoàng hậu, Hoàng phi có xuất thân trong dòng tộc, cốt là để tránh họa ngoại thích mà bản thân họ Trần đã dùng khi thay ngôi nhà Lý vậy.

Nghe lời tâu của Quốc Chẩn, cả triều thần từ Tá Thánh thái sư Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật, Nhập nội vụ Quốc Thái Bảo Văn Bích, Nhập nội kiểm hiệu tư đồ Trần Quang Triều…đều im lặng. Vua vốn là người khoan hậu nên không muốn thúc ép và không muốn lộ rõ sự phật ý của mình. Dẫu vậy, trong lòng nhà vua rất không vui.

Lợi dụng hoàn cảnh éo le đó, Cương Đông Văn Hiến Hầu (không rõ tên) là con của Tá thánh Trần Nhật Duật muốn đánh đổ Hoàng Hậu để lập Thái tử Vượng (sau là Trần Hiến Tông), mới đem của đút cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Nhạc khoảng 100 lạng vàng bảo Trần Nhạc vu cáo cho Quốc Chẩn có âm mưu làm phản.

Vua cả tin cho là thật liền ra lệnh bắt giam ngay Quốc Chẩn vào chùa Tư Phúc ở kinh sư rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến Hầu, lại cùng với mẹ thái tử Vượng là Anh Tư Nguyên phi Lê thị, đều là người Giáp Sơn (Kinh Môn) và đã từng làm thầy dậy thái tử Vượng, liền trả lời: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”.

Vua truyền bắt Quốc Chẩn phải tuyệt thực. Hoàng hậu Lê Thánh khi vào thăm cha đã lấy áo nhúng nước mặc vào người rồi vắt ra cho cha uống. Trong khi đó Anh Tư nguyên phi muốn cho Trần Quốc Chẩn chết sớm để con mình được lập làm thái tử, liền cho người mang nước tẩm độc cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Quốc Chẩn chết oan, linh hồn ông biến thành con ong vàng.

Thái Thượng hoàng

Vào năm Ất Tị (1329), Hoàng đế Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng làm Hoàng thái tử. Cũng trong năm đó, thì ông nhường ngôi cho thái tử Vượng, lên làm Thái Thượng hoàng. Thái tử Vượng trở thành vua Trần Hiến Tông. Hiến Tông lấy niên hiệu là Khai Hựng.

Năm 1334, quân Ai Lao xâm lấn, Thượng hoàng đích thân đem quân đến Châu Kiềm (Nghệ An). Quân Ai Lao bỏ chạy. Thượng hoàng saiNguyễn Trung Ngạn soạn bài bia ghi lại chiến thắng khắc lên núi đá.

Vua Hiến Tông tôn Thượng hoàng làm Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế. Năm 1341, Hiến Tông qua đời khi mới 23 tuổi. Thượng hoàng Minh Tông lại truyền ngôi cho con trai thứ 10 của ông là hoàng tử Hạo mới lên 6 tuổi, tức là vua Trần Dụ Tông.

Ông qua đời năm 1357 tại cung Bảo Nguyên, hưởng thọ 58 tuổi. Sau khi ông mất, Dụ Tông một mình làm vua nhưng không quan tâm tới việc triều chính, nhà Trần bắt đầu suy.

Tác phẩm

Tác phẩm của Trần Minh Tông có Minh Tông thi tập (1 quyển), nhưng nay đã mất. Một phần bị đốt theo yêu cầu của tác giả lúc lâm chung, một phần có lẽ do quân Minh hủy hoại khi sang xâm lược nước Việt. Hiện chỉ còn 25 bài thơ chép rải rác trong Việt âm thi tậpĐại Việt sử ký toàn thư và Nam Ông mộng lục. Nhìn chung, hầu như bài nào cũng nhẹ nhàng, êm ả; chỉ riêng có bài “Bạch Đằng giang” là tiếp tục truyền thống thơ “hùng hồn, mạnh mẽ, phóng khoáng” ở giai đoạn trước .

Ngoài ra, Trần Minh Tông còn có bài đề tựa tập thơ Đại hương hải ấn (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm) của Trần Nhân Tông.

Gia đình

  • Vợ:
    • Lê Thánh hoàng hậu, sau Trần Hiến Tông phong là Hiến (Huệ) Từ thái hậu Trần thị (?-1369), tức Huy Thánh công chúa, con gái trưởng của Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn.
    • Anh Tư nguyên phi, sau phong làm Minh Từ hoàng thái phi Lê thị (?-1365), cô của Lê Quý Ly.
    • Sung viên Lê thị, sau Trần Nghệ Tông truy phong là Quang Hiến thần phi, sau nữa Trần Duệ Tông phong làm Đôn Từ hoàng thái phi Lê thị (?-1347), em gái Anh Tư nguyên phi.
  • Con:
    • Trần Vượng (1319-1341), con của Minh Từ hoàng thái phi Lê thị, sau là vua Trần Hiến Tông.
    • Cung Tĩnh Đại vương Trần Nguyên Trác (1319-1370)
    • Cung Định vương Trần Phủ (1321-1394), con của Minh Từ hoàng thái phi Lê thị, sau là vua Trần Nghệ Tông.
    • Cung Mẫn vương Trần Nguyên Hú ? (?-1347)
    • Cung Giản vương Trần Nguyên Thạch ? (?-1350)
    • Cung Túc vương Trần Nguyên Dục (?-1364), con của Hiến Từ hoàng hậu.
    • Cung Tín vương Trần Thiên Trạch (?-1379)
    • Trần Hạo (1336-1369), con của Hiến Từ hoàng hậu, sau là vua Trần Dụ Tông.
    • Cung Tuyên vương Trần Kính (1337-1377), con của Đôn Từ hoàng thái phi Lê thị, sau là vua Trần Duệ Tông.
    • Công chúa Thiên Ninh Trần Ngọc Tha (Bạch Tha), con của Hiến Từ hoàng hậu, lấy Chính Túc vương Kham.
    • Công chúa Huy Ninh, trước lấy Nhân Vinh (?-1370), sau lấy Lê Quý Ly.

(Nguồn : http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Minh_T%C3%B4ng)

Bình luận về bài viết này