Nam Quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà (Hán tự: 南國山河) là một bài thơ thần, hiện còn khuyết danh tác giả, được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Đây là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên củaViệt Nam. Bài thơ được cho là của Thần, do Thần đọc giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077.

Văn bản

Nguyên bản Hán Văn:
南國山河
南 國 山 河 南 帝 居
截 然 定 分 在 天 書
如 何 逆 虜 來 侵 犯
汝 等 行 看 取 敗 虛
Bản phiên âm Hán-Việt:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bản dịch thơ:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời

Bản chuẩn

Dị bản

Phiên âm Hán – Việt:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng Thiên dĩ định tại Thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
Bạch nhẫn phiên thành phá trúc dư
Bản dịch thơ (Nguyễn Thiếu Dũng dịch):
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, Nam đế ngự
Sách trời định phận rõ non sông
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm
Chúng bay nhất định chuốc bại vong.
Bản dịch thơ (Ngô Linh Ngọc dịch):
Sông núi nước Nam
Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự
Sách trời định phận rõ non sông
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm ?
Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong.
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời.
Bản dịch thơ (Lê Thước – Nam Trân dịch):
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Tuyên ngôn độc lập

Trong kháng chiến chống Tống lần thứ nhất

Năm 981, nhân khi cha con vua Đinh Tiên Hoàng vừa bị hại, vua mới là Đinh Toàn còn nhỏ, trong nước Đại Cồ Việt có nội loạn (Đinh Điền, Nguyễn Bặc nổi dậy chống Lê Hoàn), nhà Tống phát quân xâm lược. Lê Hoàn đã sai người ngâm bài thơ trên để khích lệ tướng sĩ và uy hiếp tinh thần quân Tống . Bằng những trận đánh quyết định ở sông Bạch Đằng, Tây Kết, Lê Hoàn chém được tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo, bắt sống Triệu Phụng Huân, quân Tống thua to chạy về nước.

Đa số các nhà nghiên cứu thống nhất đề tên khuyết danh tác giả bài thơ. Riêng Lê Mạnh Thát trong bài “Pháp Thuận và bài thơ thần nước Nam sông núi” cho rằng tác giả bài thơ là Đỗ Pháp Thuận.

Các nhà nghiên cứu gần đây thống nhất quan điểm Nam quốc sơn hà là bài thơ thần, xuất hiện dưới thời Lê Đại Hành.

Trong kháng chiến chống Tống lần thứ hai

Sông Như Nguyệt

 

Năm 1077, hơn 300000 quân nhà Tống (Trung Quốc) do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt (tên nước Việt Nam thời đó). Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận quyết chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến, đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Đại Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã hơn quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hòa, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giữ vững bờ cõi nước Đại Việt (Việt Nam).

(Nguồn :http://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_qu%E1%BB%91c_s%C6%A1n_h%C3%A0)

Bình luận về bài viết này