Trần Nguyên Hãn

Trần Nguyên Hãn (chữ Hán: 陳元扞, ?-1429) là võ tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đánh thắng quân Minh xâm lược và lập thành nhà Hậu Lê. Ông cũng là một trong những công thần phải chịu cái chết bi thảm ở triều vua Lê Thái Tổ.

Quê quán, dòng dõi và xuất thân

Trần Nguyên Hãn chuyên cư ở xã Sơn Đông, nay thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy vậy, một số học giả đời trước lại có ý kiến khác.

Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án trong sách Tang thương ngẫu lục, Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược và Phan Kế Bính đều cho rằng Trần Nguyên Hãn là người Hoắc Xa, huyện Quảng Oai, Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Trần Xuân Sinh bác lại ý trên. Ông nói rằng mình từng tới xã Hoắc Xa (còn được gọi là Vân Xa), nhưng dân xã này thờ Trần Khát Chân và họ – dân xã này – cũng không biết gì về Trần Nguyên Hãn cả. Từ luận cứ trên, tác giả này cho rằng Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược và Phan Kế Bính đã dựa vào Tang thương ngẫu lục mà lầm theo.

Trần Nguyên Hãn là dòng dõi tôn thất nhà Trần, là cháu (miêu duệ) của Thái sư Trần Quang Khải, là cháu nội Đại tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông là con cô con cậu (qua cát) hoặc anh em con cô con bác đối với Nguyễn Trãi.

Khác với các chú bác ruột là con đẻ của Trần Nguyên Đán, Trần Nguyên Hãn không theo nhà Hồ hay nhà Minh. Sau khi quân Minh xâm chiếm Việt Nam, ông thường gánh dầu đi bán khắp nơi. Mục đích của việc này, theo nhận định của nhiều sử gia, là để kết giao và móc nối với những người có khả năng và ý định chống giặc. Nhưng một số người khác cho rằng không phải vậy và dựa vào chi tiết này để kết luận rằng ông là con nhà lao động. Phan Kế Bính trong Nam Hải dị nhân cũng cho rằng Trần Nguyên Hãn xuất thân lao động.

Cũng có tài liệu nói rằng Trần Nguyên Hãn từng đảm nhận một chức quan nhỏ của nhà Hồ ở lộ Tam Gian và đã từng tổ chức, chiêu tập binh lính đánh quân Minh ở vùng quê nhà, có liên lạc được với một số thủ lĩnh người Mường, Thái cũng như đánh thông được tới vùng Đại Từ của cha con Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống .

Sự nghiệp

Gia nhập quân Lam Sơn

Năm 1420 (hoặc 1423), Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi về với Lê Lợi. Tuy vậy, về việc này, có nhiều thông tin khác nhau.

Theo Gia phả họ Đinh kể về thân thế Đinh Liệt, một tướng quân tham gia khởi nghĩa Lam Sơn khác: Tới xuân năm 1423, trong khi Lê Lợi phái Phạm Văn Xảo đi tìm Nguyễn Trãi ở Đông Quan thì Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn – khi này mang hai tên giả lần lượt là Trần Văn và Trần Võ tới chỗ Lê Lợi (khi này đang ở Lỗi Giang). Tuy vậy, ban đầu Nguyễn Trãi chỉ được giao làm Ký lục quân lương, Trần Nguyên Hãn thì chở thuyền do phía Lam Sơn chưa rõ lai lịch của hai người mới tới. Chỉ sau khi Nguyễn Trãi dâng “Bình Ngô sách” thì Lê Lợi mới nhận ra học vấn, khả năng của hai ông và trọng dụng.

Sách Tang thương ngẫu lục chép rằng ông và Nguyễn Trãi ” ra mắt ” Lê Lợi tới 2 lần: lần đầu, hai ông đến và bỏ về sau khi thấy Lê Lợi xé thịt bằng tay và đưa lên mồm ăn ngay trong ngày giỗ. Lần thứ hai, hai ông mới ở lại sau khi thấy Lê Lợi thức khuya nghiền ngẫm binh thư. Một số tài liệu khác thì chép hai ông định bỏ về (sau đó vẫn ở lại) khi thấy Lê Lợi xé thịt ăn bằng tay.

Đánh Tân Bình, Thuận Hóa

Tháng 8-1425, Trần Nguyên Hãn – khi này là Tư đồ cùng với Thượng tướng Doãn Nỗ và Chấp lệnh Lê Đa Bồ đem 1000 quân và 1 voi vào lấy hai trấn Tân Bình và Thuận Hóa Ở Bố Chính, họ đặt phục binh rồi vờ thua, dụ tướng Minh là Nhâm Năng ra mà đánh thắng. Trận này, Doãn Nỗ là người đặt phục binh ở Hà Khương, bản thân Trần Nguyên Hãn mang quân ra nhử địch.

Sau trận, thấy lực lượng đối phương hãy còn đông đảo trong khi quân số của mình lại quá ít, ông xin điều thêm quân. Đạo thủy quân gồm 70 thuyền được gửi tới, các tướng phụ trách đạo này là Lê Ngân, Lê Văn An, Phạm Bôi. Hai đạo quân phối hợp giải phóng các châu huyện, vây hãm hai thành Tân Bình, Thuận Hóa, và mộ thêm quân mang ra Bắc.

Tuy vậy, sự bố phòng lực lượng cũng như khả năng chống đỡ của quân Minh tại Tân Bình, Thuận Hóa là yếu ớt, sự đó khiến cho trong vòng 10 tháng (từ tháng 10–1424 tới tháng 8-1425), quân Lam Sơn đã làm chủ được một vùng đất rộng lớn và có dân số đông đảo. Thêm vào đó, thắng lợi này cũng là không trọn vẹn khi hai thành trì Tân Bình và Thuận Hóa không bị triệt hạ. (Hai thành này chỉ đầu hàng quân Lam Sơn vào đầu năm 1427).

Chiến thắng Đông Bộ Đầu

Cuối tháng 10 năm 1426, Trần Nguyên Hãn theo Lê Lợi ra đánh miền Bắc. Ngày 22-11-1426, đợt công phá thành Đông Quan bắt đầu với lực lượng tấn công được chia thành 3 cánh:

  • Một cánh do Đinh Lễ chỉ huy, gồm 1 vạn quân trước đó đã bí mật ém sẵn tại cầu Tây Dương  Tấn công vào cửa Tây.
  • Cánh trung tâm do Lê Lợi đích thân đốc xuất tấn công vào cửa Nam.
  • Cánh quân thủy tấn công vào cửa Đông. Nhiệm vụ tấn công của cánh này được giao cho Trần Nguyên Hãn và Bùi Bị.

Trần Nguyên Hãn đem 100 thuyền theo sông Lung Giang (sông Đáy) ra cửa Hát Giang  rồi thuận sông Cái (sông Hồng) đóng ở Đông Bộ Đầu , đánh phá được giặc, thu nhiều thuyền.

Hạ thành Xương Giang

Thành Xương Giang án ngữ ngay trên đường thiên lý từ Quảng Tây tới Đông Quan, thêm vào đó, cách Đông Quan chỉ khoảng 50 km. Vị trí quân sự như vậy khiến Xương Giang trở thành mục tiêu trọng yếu trong kế hoạch tấn công của quân Lam Sơn. Họ quyết tâm hạ thành bằng mọi giá trước khi quân Minh nhập Việt.

Xương Giang là một thành lớn, rộng 25 ha, nằm cách Thành phố Bắc Giang hiện nay 2 km, cách sông Thương 3 km. Thành này có kiến trúc phòng vệ chắc chắn, nguồn lương thực dự trữ đầy đủ và tập trung được lực lượng binh lực lớn. Số liệu về quân số giữ thành này, tùy theo các nguồn tư liệu, chênh lệch từ vài ba nghìn cho tới một vạn quân. Các tướng Minh có trách nhiệm giữ thành: Đô chỉ huy là Lý Nhậm, Phó Đô chỉ huy là Kim Dận, tri phủ Xương Giang là Lưu Tử Phụ và các tướng khác gồm: Cố Phi Phúc, Lưu Thuận và Phùng Trí. Lý Nhậm là tướng mới được bổ sung nhằm tăng cường khả năng cố thủ.

Ỷ vào sự quan trọng cũng như thuận lợi về nhiều mặt, quân Minh quyết thủ. Nguyễn Trãi đã 2 lần viết thư dụ hàng và Thái Phúc tướng Minh giữ thành Nghệ An đã đầu hàng cũng được đưa tới chân thành để thuyết phục nhưng đều không tác dụng gì.

Từ cuối 1426, quân Lam Sơn đã tiến hành hãm thành Xương Giang. Các tướng Lê Sát, Lê Triện, Nguyễn Đình Lý, Lê Thụ, Lê Lãnh công thành đều không có kết quả (Sau đó, vào tháng 2 năm 1427, một số tướng ở đây được tăng cường cho quân đội vây thành Đông Quan: Lê Sát và Nguyễn Đình Lý được tăng cường cho cửa Tây, Lý Triện cầm 2 vạn quân trấn cửa Nam. Lý Triện tử thương vào tháng 3 năm 1427). Thành tiếp tục bị hãm nhưng quân Lam Sơn vẫn không hạ được.

Từ tháng 9-1427, các đợt vây hãm Xương Giang của Lê Sát, Nguyễn Đình Lý… càng trở nên cấp tập, quân số được tăng cường và Trần Nguyên Hãn được bổ sung, trở thành tướng chỉ huy các đợt công thành. Khi này, quân số quân Minh trong thành chỉ còn chừng một nửa nhưng sức kháng cự vẫn là mãnh liệt. Thành phần tham chiến cùng quân Lam Sơn có cả dân chúng của các làng xung quanh. Trần Nguyên Hãn cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm ngầm từ ngoài vào trong thành giặc, rồi tiến hành nội công ngoại kích với sự phối hợp của đám quân đã lọt được vào nội thành giặc. Đêm 28-9-1427, quân Lam Sơn bắc thang đánh vào và hạ được thành. Toàn bộ giặc trong thành tử thương, Lý Nhậm và Kim Dận đều tự tận. Trận đánh đêm 28 diễn ra trong vòng chưa đầy 2 giờ đồng hồ.

Sau hơn 30 trận giao tranh, Xương Giang mới về tay quân Lam Sơn. Đối phương đã tử thủ nhưng Trần Nguyên Hãn vẫn thành công. Thành Xương Giang bị hạ trước khi Liễu Thăng kéo quân tới biên giới Việt – Trung chẵn 10 ngày (Liễu Thăng tới ải Pha Lũy vào ngày 8–11-1427).

Trong lịch sử chống ngoại xâm, đây là lần hiếm hoi quân đội Việt Nam triệt hạ được một thành trì quan trọng và có quân số lớn. Phần lớn những chiến công quan trọng khi tấn công các căn cứ quân sự tập trung của đối phương trong các cuộc chiến tranh chống nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Thanh đều diễn ra khi phá trại, phá đồn hoặc phá lũy phòng thủ. Có lẽ, nếu xét trong phạm vi các cuộc tấn công thành trì đối phương, thành công tại Xương Giang chỉ đứng sau sự kiện Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu.
Hai lực lượng quân sự của đối phương ở Đông Quan – khoảng 4 vạn binh tướng và Xương Giang – toàn bộ viện quân Minh cho tới khi bị dồn cục tại cánh đồng Xương Giang là chừng 7 vạn người -hãy còn rất đáng kể. Khoảng cách Đông Quan – Xương Giang chỉ khoảng 50 km. Nếu Xương Giang không bị hạ và viện binh Minh vào được thành, với lực lượng 7 vạn người đó cộng thêm lực lượng khá mạnh của Vương Thông ở Đông Quan thì chiến sự còn có thể kéo dài sau năm 1427.

Chủ tướng chiến dịch Tổng công kích Xương Giang

Sau khi Liễu Thăng chết chém cùng 1 vạn quân tại gò Mã Yên, thêm 1 vạn quân Minh bỏ thây tại trận Cần Trạm, khoảng 1 vạn nữa thiệt mạng trên đường từ Cần Trạm tới Phố Cát  và Binh bộ Thượng thư Lý Khánh tự vẫn. Lại hay tin thành Xương Giang đã mất, quân Minh đành tập trung trên một cánh đồng trống trải cách thành khoảng 3 km về mạn Bắc mà xung quanh là làng mạc, nhà dân, đồng ruộng và những quả đồi thấp.

Trận tổng công kích bắt đầu ngày 3-11-1427. Trần Nguyên Hãn là chủ tướng. Quân của ông chặn được đường về của Đô đốc nhà Minh là Thôi Tụ và tiếp đó, chặt đường tải lương của giặc. Điều này đóng vai trò lớn trong thắng lợi giết năm vạn quân, bắt sống ba vạn quân và 300 tướng lĩnh nhà Minh  cùng Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc và Thôi Tụ – tân Tổng binh của giặc sau 2 cái chết liên tiếp của Liễu Thăng và Bảo Định bá Lương Minh. Lương Minh chết khi vừa nhậm chức Tổng binh được 5 ngày, còn Thôi Tụ giữ chức này lâu hơn – gần 20 ngày.

Hội thề Đông Quan

Tại Đông Quan, cho tới sau trận chiến trên cánh đồng Xương Giang, Vương Thông vẫn chưa thật bụng muốn “hòa”. Thông dốc hết quân số trong thành và cố công kích ra ngoài nhưng không thành công, bản thân bị ngã ngựa, suýt bị bắt sống. Chỉ tới khi bị quân Lam Sơn đắp 2 chiến lũy chắn ngay cửa Nam và Bắc của thành (khi này muốn ra thì bắt buộc hoặc phải phá lũy, hoặc phải đi 2 cửa khác là những chỗ mà rất dễ là đối phương đã phục sẵn), và nhận liền 7 bức thư của Nguyễn Trãi, với những phân tích và lời lẽ vừa đe dọa, vừa tỏ ý sẵn sàng thiện chí, Thông mới chịu “hòa” và chấp nhận tổ chức một hội thề để chính thức tuyên bố rút quân về nước.

Hội thề này – mà về sau sách sử gọi là hội thề Đông Quan – diễn ra vào tháng 12–1427 tại phía nam thành, bên bờ sông Cái. Trong danh sách những người tham gia hội thề của phía Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn đứng tên thứ hai, sau Lê Lợi: Nhất quốc đầu mục, Hãn danh đệ nhị thứ, kỳ kiến trọng ư tôn giã.

Chức vụ và khen thưởng

Trong hàng ngũ các quan văn võ dưới quyền Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn luôn là viên quan cao cấp nhất.

Khoảng năm 1424-1425, Trần Nguyên Hãn là Tư đồ. Khi này, trong phong trào khởi nghĩa, Tư đồ là chức quan cao nhất.

Năm 1427, sau chiến tích hãm Đông Quan, ông được phong là Thái úy.

Năm 1428, kháng chiến thành công và Lê Lợi lên ngôi, Trần Nguyên Hãn được gia phong Tả Tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, Khu mật Đại sứ, được cấp 114 mẫu ruộng. Người được phong “Hữu Tướng quốc“ là Lê Tư Tề, con cả của Lê Lợi và chức Thái úy về tay Phạm Văn Xảo.

“Đại sứ” là chức quan to nhất của Khu mật viện, trong viện này, Trần Nguyên Hãn là cấp trên trực tiếp của Nguyễn Trãi (Nguyễn Trãi kiêm nhiệm nhiều chức vụ, nhưng trong Viện Khu mật, ông chỉ là Hành Khu mật viện sự). “Bình chương quân quốc trọng sự” là hàm (hoặc chức vụ, nhưng có lẽ là hàm  dành riêng cho đại thần, Nguyên Hãn không phải viên quan duy nhất được phong tặng. Một số đồng môn khác của ông cũng mang danh hiệu này trong cùng khoảng thời gian hay muộn hơn một chút như: Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Phạm Vấn (từ năm 1428), Lê Văn An (từ năm 1432)… Quan trọng nhất trong các chức tước của ông là “Tả tướng quốc“ – chức vụ có quyền năng tương tự với “đồng Thủ tướng Chính phủ“ ngày nay. Như vậy, Nguyên Hãn cũng đã là người đứng đầu các quan như ông nội (hoặc cụ nội) mình là Trần Nguyên Đán. Khi trước, Trần Nguyên Đán được phong Đại Tư đồ , một chức vụ cũng tương tự như “Thủ tướng“ trong hệ thống hành chính đời Trần mạt.

Cái chết

Năm 1429, Trần Nguyên Hãn xin về trí sĩ. Từ trước đó, Nguyên Hãn có nói riêng với người thân cận:

Nhà vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể yên hưởng vui sướng được.

(Câu Tiễn có tướng cổ dài, mép quạ, tức là tướng chim. Có thuyết cho rằng Trần Nguyên Hãn trực tiếp nói câu này với Nguyễn Trãi.)

Lê Lợi y cho Nguyên Hãn được về, nhưng dặn rằng cứ một năm hai lần lại vào triều chầu vua. Trần Nguyên Hãn “thập đạo kinh luân mao ức lý, nhân cựu trạch tử miếu” (sau mười năm chiến chinh, quay về ngôi nhà cũ). Ở đây, ông cho dựng phủ đệ lớn, đóng thuyền to. Việc này bị quy kết là lộng hành và có âm mưu thoán nghịch. Những kẻ không ưa cũng thừa cơ buông lời xúi bẩy. Trần Nguyên Hãn bị Lê Lợi ra lệnh bắt về triều để xét hỏi. Tới bến Sơn Đông, ông tự trầm mình mà chết. Trước khi chết, ông nói:

Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết không?

Tháng 5 năm đó, Lê Lợi mới tiến hành ban thưởng tước hầu cho các công thần tham gia khởi nghĩa. Như vậy Trần Nguyên Hãn chưa kịp nhận phong thưởng của một chiến tướng khó nhọc đã bị vua hãm hại.

Di lụy và phục hồi

Quanh cái chết của Trần Nguyên Hãn, không chỉ riêng vợ con ông chịu dính líu mà các tướng như Bế Khắc Triệu, Nông Đắc Thái cũng bị liên lụy. Hai tướng này bị cho là vây cánh của Trần Nguyên Hãn và bị dẹp.

Năm 1455 , vua Lê Nhân Tông (1443-1459) ra lệnh phục chức cho Trần Nguyên Hãn, truy phong là “Phúc thần”, cho gọi con cháu ra làm quan, nhưng không ai ra

Đời nhà Mạc, ông được truy phong là Tả tướng quốc, Trung liệt Đại vương. Ông chính là trường hợp rất hiếm trong các công thần khai quốc nhà Lê được nhà Mạc thù địch tưởng nhớ và truy phong, có lẽ một phần lý do vì bản ý nhà Mạc muốn thu phục lòng người. Việc tôn vinh ông khiến “thiên hạ” thấy sự khắc bạc của nhà Lê với người có công trạng.

Nguyên nhân

Cái chết của Trần Nguyên Hãn được nhận định là do một hoặc nhiều nguyên nhân:

  • Ông nằm trong vòng xoáy tranh giành quyền lực trong triều đình nhà Lê thời hậu chiến. Có ý kiến cho rằng Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo ủng hộ Lê Tư Tề, con trưởng của Lê Lợi trong khi Lê Sát, Lê Ngân, Phạm Vấn… ủng hộ người con thứ là Nguyên Long. Khi phái Lê Sát thắng thế và Lê Tư Tề bị ruồng bỏ, thì ông cũng không tránh khỏi hậu họa là chuyện thường.
  • Mối nghi ngại của Lê Lợi đối với triều đại cũ: Lê Lợi từng hại Trần Cảo – người tự nhận là tôn thất nhà Trần, từng được đưa lên nắm ngôi Hoàng đế bù nhìn, từng lấy lý do mẹ của thái tửNguyên Long có tên là Phạm Thị Ngọc Trần  và ép người có họ Trần phải đổi sang họ Trình để kiêng huý. Những hành động đó đều nhằm khiến thiên hạ có thể “quên” hẳn nhà Trần đi. Mà Trần Nguyên Hãn lại xuất thân là quý tộc nhà Trần, con cháu của hai danh thần nhiều danh vị của triều cũ là Trần Quang Khải và Trần Nguyên Đán.

Mặc dù được nhiều sử gia cũng như người có quan tâm thừa nhận rộng rãi, nhưng cho tới giờ, những giả thiết và nguyên nhân trên không được hậu thuẫn bởi những bằng chứng trong chính sử.

Lời bình của Trần Quốc Vượng

Phạm Lãi… đi biệt, đổi tên họ, dẫn theo người đẹp [Tây Thi]… bỏ hoàn toàn ham muốn quyền lực.Nên vua dù có biết (mà biết thực, nên mới cho ghi vào sử), cũng nghĩ ông này bây giờ … không dòm ngó gì tới ngôi báu.

Đàng này…

…Nguyên Hãn lại “dại dột“ làm nhiều nhà cửa, xây bằng gạch hoa (a, có vẻ như xây biệt đô, biệt cung), thuần phục và tậu voi tậu trâu từng đàn đi lại rầm rập, lại “đóng thuyền, chở binh khí“ nữa, ra cái dáng “sứ quân“, “nghênh ngang một cõi“.

Thế thì chưa biết “động cơ chủ quan“ như thế nào, chứ như thế thì bịt sao nổi miệng thế xầm xì phao tin đồn (cơ chế của tin đồn là mối quan tâm tới một sự kiện nhưng thiếu thông tin về sự kiện đó). Người ta vu cho ông làm phản. Và ông bị giết hại (hay bị “bức tử“, “tự sát“, hay là “chết đuối“…thì cũng vậy thôi) là phải.“

Gia quyến và con cháu đời sau

Trần Nguyên Hãn có 3 vợ. Với 2 vợ đầu, ông có 3 con trai. Lê Quý Đôn  chép rằng ông bị bắt về kinh sư cùng người vợ thứ ba và người con nhỏ mới sinh (hài đồng tử). Sau khi ông chết, Lê Lợi cho bắt hai mẹ con bà này về kinh quản thúc, gia sản của Trần Nguyên Hãn bị tịch thu.

Theo gia phả các chi họ ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, thì Trần Nguyên Hãn có ba vợ, hai người vợ đầu là:

  • Bà cả (không ghi tên) người làng Cao Phong, xã Văn Quán,. Ông bà sinh hạ được một con trai là Trần Doãn Hữu, tự là Trung Khang. Trước khi ông Trần Nguyên Hãn xuống thuyền về kinh (theo lệnh triệu hồi của Lê Lợi), ông cho mẹ con bà chạy trốn vào rừng Thần; sau trở lại Sơn Đông.
  • Vợ thứ hai là bà Lê Thị Tuyển . Ông bà sinh hạ hai con trai là Trần Trung Khoản và Trần Đăng Huy, tự là Trung Lương. Khi Trần Nguyên Hãn xuống thuyền về kinh, ông cho ba mẹ con bà Tuyển chạy trốn sang làng Kẻ Nú, phủ Tam Đới huyện Phù Khang, trấn Tây Sơn. Sau người con lớn Trần Trung Khoản tiếp tục bỏ đi và đổi ra họ Quách. và Trần Đăng Huy đổi sang họ Đào.

Nơi thờ tự và di tích

Trần Nguyên Hãn được nhiều làng ở Sơn Động và các vùng xung quanh lập đền thờ, nhưng “ chính tự“ (nơi thờ tự chính, được công nhận và ghi vào “ tự điển“) là đền Tả tướng. Đền này được xây ngay trên nền ngôi nhà cũ của Trần Nguyên Hãn.

Nhiều di tích ở Sơn Động hiện nay được cho là có liên quan đến các hoạt động của Trần Nguyên Hãn như rừng Thần, đầm Rạch, cống Khẩu… Ao Tó là nơi ông luyện thủy quân sau khi đã trí sĩ về nhà và cho đóng thuyền lớn. Chợ Gốm là nơi Trần Nguyên Hãn từng hành nghề bán dầu. Hiện nay, dân làng này vẫn làm nghề ép dầu bên cạnh những nghề thủ công khác như làm gốm, sơn, mộc.

Tên của ông được đặt cho nhiều đường phố tại các thành phố Việt Nam: tại quận Hoàn Kiếm Thành phố Hà Nội, quận Lê Chân Thành phố Hải phòng, Thành phố Đà Nẵng, phường Phước Hòa Thành phố Nha Trang, Thành phố Vũng Tàu, quận 8 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt tại Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh có tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa có chim bồ câu trên tay (tưởng nhớ thánh tổ lực lượng truyền tin) được dựng dưới chính thểViệt Nam Cộng hòa ở vòng xoay Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành.

Cần phân biệt

Nên chú ý phân biệt Trần Nguyên Hãn và Trần Nguyên Hãng. Trần Nguyên Hãng – Thiếu bảo thời vua Trần Nghệ Tông (Trần Phủ) – là người hợp mưu với Trần Khát Chân trừ khử bất thành Hồ Quý Ly, bản thân cùng Khát Chân và 370 người khác đều bỏ mạng trong vụ này.

Tham khảo

Sách dùng để trích dẫn tư liệu cho bài viết

  • Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm, Trần Quốc Vượng.
  • Thuyết Trần, Trần Xuân Sinh, NXB Hải Phòng 2003.
  • Đất nước Việt Nam qua các đời, Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin, 2005
  • Lịch sử Việt Nam: hỏi và đáp, Lê Văn Lan, 2004.
  • Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, 2006, tập 1.
  • Việt sử giai thoại, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục, 2003, tập 5.
  • Nhìn lại lịch sử, Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ, NXB Văn hóa Thông tin, 2003.
  • Khởi nghĩa Lam Sơn, Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn.
  • Từ điển chức quan Việt Nam, Đỗ Văn Ninh, NXB Thanh niên, 2006

Sách tham khảo

(Giáo sư Lê Văn Lan đề nghị)

  • Trần Nguyên Hãn – sở Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú, 1988.
  • Danh nhân Vĩnh Phúc – Lê Kim Thuyên, 1999.

Truyền thuyết

  • Trần Nguyên Hãn tìm đến với Lê Lợi theo lợi sấm của Thanh Sơn Đại vương

(Nguồn :http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Nguy%C3%AAn_H%C3%A3n)

Bình luận về bài viết này