Trịnh Cán

Điện Đô Vương Trịnh Cán (1777 – 1782) là vị chúa Trịnh thứ mười thời Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ tháng 9 đến tháng 11 năm 1782. Ông là con của chúa Trịnh Sâm và tuyên phi Đặng Thị Huệ. Ông sinh và mất tại Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Cuộc đời

Trịnh Cán sinh năm 1777, là con thứ của chúa Trịnh Sâm, lên ngôi thế tử năm 1780 sau khi anh là Trịnh Khải bị phế truất vì vụ án năm Canh tý.

Trịnh Cán là một đứa trẻ ốm yếu liên tục nên “khí lực khô kiệt”, thân hình gầy gò, xanh xao. Khi danh y Lê Hữu Trác theo lệnh chúa Trịnh Sâm chữa bệnh cho ông thì bọn ngự y ghen tị với Lê Hữu Trác nên đơn thuốc của Lê Hữu Trác không được sử dụng. Vì vậy, Trịnh Cán vẫn bệnh mãi không khỏi.

Tháng 9 năm 1782, Trịnh Sâm mất. Đặng Thị Huệ và Huy quận công Hoàng Đình Bảo lập Trịnh Cán lên ngôi chúa với tước hiệu Điện Đô vương, lúc đó Trịnh Cán mới 6 tuổi. Tuyên phi Đặng Thị Huệ trở thành người điều khiển triều chính giúp con cùng với Huy quận công Hoàng Đình Bảo khiến quân đội và nhân dân bất bình.

Tháng 10 nǎm 1782, Dự Vũ là tay chân của Trịnh Khải xúi kiêu binh (lính Tam phủ) nổi loạn, giết chết Hoàng Đình Bảo, truất ngôi Trịnh Cán và giáng xuống làm Cung quốc công. Tuyên phi Đặng Thị Huệ bị truất xuống thứ dân, sau tự tử. Trịnh Cán bị đưa ra ở phủ Lượng quốc rồi ốm chết, ở ngôi được gần hai tháng.

(Nguồn :http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh_C%C3%A1n)

Bình luận về bài viết này