Lê Thánh Tông

Thăng Long nhân kiệtLê Thánh Tông phần 1

Thăng Long nhân kiệtLê Thánh Tông phần 2

Lê Thánh Tông là ông Vua rất thích đi vào dân chúng trong những dịp Tết. Một lần nhân dịp Tết, ông vi hành đi chơi phố, tới một hàng trầu nước, thấy không có câu đối Tết, Nhà Vua liền viết hộ một câu đối như sau:

Nếp giầu cun thói kinh cơi, bắc nam đây đấy lại hàng

     Câu đối này phao truyền đến tai triều đình, các vị đình thần đều kinh ngạc và ra lệnh điều tra xem người viết là ai mà câu đối chẳng những tả đúng một cửa hàng trầu nước (giầu = trầu, cơi = ấm nước, bát = hàng…) lại còn ngụ một ý kinh bang tế thế, một khí phách lớn lao. Ðiều tra mãi không ra, câu chuyện được tâu lên vua Lê Thánh Tông, nhưng nhà vua chỉ gật đầu cười im lặng.

Nhân dịp đầu Xuân, Vua Lê Thánh Tông ngự thăm nhà Thái Học (Văn Miếu); lúc về ghé qua chùa Ngọc Hồ ở thôn Thanh Ngô gần đấy.
Tới nơi, Vua thấy cảnh trí u nhã, hoa cỏ xanh tươi, lại nghe tiếng ni cô tụng kinh vang vang trong chùa. Giọng ni cô trong như nước suối, mà du dương uyển chuyển lạ thường, khiến người nghe dường như cũng phiêu diêu trong thế giới cực lạc. Nhà Vua hứng tình, nguồn thơ lai láng, liền đề ngay lên vách chùa hai câu:

Tới nơi thấy cảnh thấy người,
Tuy vui đạo Phật chưa nguôi lòng trần!

     Rồi nhà Vua lấy hai câu ấy làm đầu đề, bắt các quan tuỳ tùng ngâm vịnh. Lúc ấy, Thân Nhân Trung, một trong hai vị phó soái của “Tao đàn nhị thập bát tú” có thơ vịnh như sau:

Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười
Sắc không tuy bụi, hãy lòng người.
Chày kình một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm ba canh lẩn sự đời
Bể ái ngàn trùng mong tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc nào đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười!

     Vua trao bài thơ cho ni cô xem, ni cô chê hai câu “thực” thiếu ý cảnh và sửa lại rằng:

Gío thông đưa kệ tan niềm tục,
Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời.

     Nhà Vua khen hay, rồi đưa luôn nàng về cung. Nhưng tục truyền, kiệu đi tới cửa Ðại Hưng thì nàng chợt biến mất. Lấy làm lạ, Vua liền sai dựng ở đó một cái lầu gọi là Vọng tiên lầu để lưu dấu người tiên.

 

Nhân dịp đầu năm mới, Vua Lê Thánh Tông ăn mặc giả làm thường dân ra phố chơi để xem xét tình hình dân chúng. Ði tới đâu nhà Vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, nên trong lòng rất vui thích. Riêng nhà nọ, chẳng treo đèn, kết hoa mà cũng chẳng đối liễn gì hết. Vua rẽ vào hỏi, chủ nhà trả lời rằng:
– Chả nói giấu gì Bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám phô phang gì với ai cho thêm tủi!
Vua ngạc nhiên, hỏi:
– Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ?
Chủ nhà thưa:
– Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi mót phân người để bán thôi ạ!
Nghe xong, Vua cười nói:
– Nếu vậy nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng là vẻ vang bậc nhất. Câu đối của Bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn!.
Rồi, Vua lấy giấy bút, đề giùm cho một đôi câu đối như sau:

 Ý, đất, nhung y, năng, ý đảm thế gian nan sự,
Ðề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.

Nghĩa là:

Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ
Cầm ba thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian

      Khách qua lại, nhìn thấy câu đối ai cũng kinh ngạc xôn xao.

Khi còn là một chàng trai, một hôm Lê Thánh Tông đi dạo trên bờ một con sông đào ở vùng Thanh Hoá và tình cờ gặp một cô gái đang vo gạo dưới sông. Mến cảnh, mến người và cảm hứng chợt đến, vị hoàng tử trẻ tuổi liền đọc:

– Gạo trắng, nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả…

Nhưng cô gái vẫn thản nhiên vo gạo cho đến khi xong đâu đấy mới ngoái lại và đọc lên vế đối của mình:

– Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho…

    Lúc bấy giờ đang thời buổi loạn ly, lời đối rất chuẩn xác của cô gái như có ý nhắc làm thân nam tử hãy lo việc lớn, để sức trai mà cứu dân giúp nước…Không biết lời đối đó của cô gái có tác dụng đến đâu nhưng sau này dưới sự trì vì của Lê Thánh Tông đã trải qua những năm tháng thái bình thịnh trị nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

 

Tết Nguyên đán.

        Ở kinh thành, nhà nào nhà nấy đều treo đèn kết hoa và dán đầy những câu đối loè loẹt để mừng Xuân.

      Tối ba mươi, Vua Lê Thánh Tông giả làm người học trò, đi chơi xem các câu đối ở phố phường. Chợt qua cửa nhà một người đàn bà làm nghề thợ nhuộm, thấy không có câu đối, nhà Vua lầy làm lạ ghé vào hỏi. Người đàn bà kêu là goá chồng, con trai đi học xa, nhà Vua liền bảo lấy giấy bút và viết hộ một câu đối như sau:

Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,
Triều trung chu tử tổng ngô gia.

Dịch:

Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ,
Ðỏ tía triều đình bởi cửa ta.

     Mấy ngày sau, ông thượng thư họ Lương đi chầu, qua nhà thợ nhuộm thấy câu đối có khẩu khí như vậy thì hoảng hốt vô cùng. Vào triều, ông ta vội vã tâu ngay với Vua rằng nhà ấy nhà nọ có ý muốn làm bá chủ thiên hạ, cần phải cho người dò xét.

     Lê Thánh Tông nghe xong phì cười và nhận câu đối đó là do chính tay mình viết hộ, làm cho ông thượng thư họ Lương bị một phen tưng hửng. Nhưng rồi, để bù vào sự bẽ bàng ấy, khi về nhà, ông thượng thư họ Lương nghĩ rằng nhà thợ nhuộm mà lại được thiên tử ngự giá đến, chắc con cháu sau này sẽ giàu sang rất mực, bèn đem ngay con gái mình gả cho con trai nhà thợ nhuộm.

(Nguồn : http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanhoa/cauchuyendanhnhan/lethanhtong.htm)

Bình luận về bài viết này